Nhận định tình hình Đà Nẵng trong xu thế APEC

Theo đánh giá của CBRE, trong quý II/2017, nhìn chung các khách sạn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Giá phòng bình quân khối 4 - 5 sao đạt 117.6USD/phòng/đêm, tăng 3% theo năm và công suất phòng trung bình là 62%, tăng 2 điểm phần trăm theo năm. Trong đó, khối khách sạn 4 sao trong thành phố dẫn đầu về mức tăng doanh thu phòng bình quân (37% theo năm) do các khách sạn mới đã bắt đầu ổn định việc kinh doanh. Theo sau là khối khách sạn 4 sao ven biển với tỷ lệ tăng là 8,8% theo năm về doanh thu phòng bình quân. Đây cũng là phân khúc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về nguồn cung khách sạn mới trong bốn năm qua.

Bình luận về xu hướng này, bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam nói: “Hàng loạt khách sạn 4 sao khai trương trong những năm gần đây, đặc biệt là các khách sạn mới nằm dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, góp phần vẽ nên đường skyline mới cho thành phố Đà Nẵng. Những khách sạn này mang đến cho du khách dịch vụ nghỉ dưỡng chuyên nghiệp, cơ sở vật chất và tiện nghi khách sạn hiện đại với giá cả phải chăng, hướng đến lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế có ngân sách khiêm tốn hơn cho việc nghỉ dưỡng đang tăng trưởng mạnh mẽ”.
Về cơ sở hạ tầng – giao thông – yếu tố quan trọng tạo nên “sức hút” cho thị trường BĐS Đà Nẵng, CBRE cho biết, nếu như trong năm 2016, Đà Nẵng có 21 chuyến bay trực tiếp (bao gồm chuyến bay thường kỳ và thuê chuyến) thì đến nửa đầu năm 2017, tổng số chuyến bay tăng lên 26 chuyến. Trong đó, các chuyến bay giữa Đà Nẵng và Hàn Quốc có thêm ba hãng hàng không khai thác, nâng tổng số lên tám hãng.
Ngoài ra, các đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng và Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore cũng cho thấy sự tăng trưởng về số chuyến.
Bà Dung nhận định thêm: “Sự dịch chuyển về quốc tịch khách sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự dịch chuyển của dịch vụ đi kèm như F&B, dịch vụ giải trí cũng như nhu cầu về đầu tư BĐS. Theo đó, các chủ đầu tư cũng cần chú trọng thêm về yếu tố ngôn ngữ để mở rộng thị phần khách hàng và đón đầu làn sóng đầu tư”.Dự báo, năm 2017, thị trường cũng sẽ đón nhận những thương hiệu khách sạn mới, chính thức hoạt động tại Đà Nẵng như Sheraton, Four Points by Sheraton, Hilton và JW Mariott, đưa Đà Nẵng lên dẫn đầu cả nước về số lượng các thương hiệu quốc tế.
Bên cạnh khách sạn, nhu cầu mua căn hộ và biệt thự tại Đà Nẵng cũng đang tăng trưởng mạnh trong năm nay.
“Có nhiều yếu tố góp phần tạo ra kết quả này mà du lịch có lẽ là nhân tố chủ lực nhất. Bởi Đà Nẵng đang trở thành một điểm đến nổi tiếng với cả khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, theo như con số báo cáo gần nhất về lượt du khách đến Đà Nẵng nửa năm 2017”, ông Erik Billgren, Quản lý điều hành Savills Đà Nẵng cho biết.
Có thể nói, APEC 2017 không chỉ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển các dòng sản phẩm BĐS hạng sang tại Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực đối với cả phân khúc BĐS bình dân như đất nền. Đặc biệt, với những dự án có vị trí sát biển, sát sông, sát các khu nghỉ dưỡng, các cơ sở phục vụ cho APEC 2017.
Ông Nguyễn Hào Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc First Real cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường BĐS Đà Nẵng vẫn tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều dự án mới, đa dạng phân khúc tung hàng ra thị trường. “Sự cộng hưởng của sự kiện APEC và sức nóng từ cuối năm 2016 đến đầu quý I/2017 là tiền đề vô cùng thuận lợi để duy trì sự sôi động đó trong 6 tháng đầu năm nay”, ông Hiệp cho biết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đất nền sẽ lên ngôi trong năm 2018

Có nên đầu tư bất động sản Đà Nẵng thời điểm này

Khu đô thị Kim Long City - trục 60 Đà Nẵng